SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NGUYỄN HỮU CẢNH
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ ÔNG NGUYỄN HỮU CẢNH
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) là một tướng lĩnh tài ba, một nhà quản lý hành chính xuất sắc; người mở nước về phía Nam và cũng là người có công xây dựng nền móng cho Sài Gòn - TP.HCM. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (có tài liệu nói là Nguyễn Hữu Kính) sinh năm Canh Dần (1650) tại vùng đất nay thuộc xã Chương Tín, huyện Phong Lộc; tỉnh Quản Bình. theo các nhà nguyên cứu thì tổ tiên của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là Đinh quốc công Nguyễn Bặc - một vị tướng tài ba xuất sắc của vua Đinh Tiên Hoàng; ông cũng là cháu mấy đời của nhà chính trị đại tài của nước ta - Nguyễn Trãi. Cha ông là Chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Đạt - người đã đóng góp nhiều công sức cho chúa Nguyễn trong cuộc đối đầu với chúa Trịnh.
Lớn lên trong thời kì Trịnh - Nguyễn phân tranh, ông Nguyễn Hữu Cảnh chuyên tâm luyện tập võ nghệ để có thể theo cha đi chinh chiến. Tuy còn trẻ tuổi nhưng ông đã lập được nhiều chiến công và đã được chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức cai cơ (một chức quan võ thuộc bậc cao) vào lúc tuổi độ đôi mươi. Năm 1681 cha mất, ông cùng anh ruột là Nguyễn Hữu Hào nối nghiệp cha. Trong công việc và trong quan hệ xử thế, Nguyễn Hữu Cảnh rất cẩn trọng nên được lòng mọi người.
Đầu xuân Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh làm thống suất vào nam kinh lược và thiết lập bộ công quyền, đặt nền pháp trị và xác định cương thổ quốc gia.
Theo đường biển, quân của ông Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai đến cù lao Phố (một cảng sầm uất nhất miền Nam bấy giờ). Sau đó, ông Nguyễn Hữu Cảnh thanh tra vùng đất Sài Gòn và đặt hai đơn vị hành chính đầu tiên tại Nam bộ là huyện Phước Long với dinh Trấn Biên là thủ phủ (Biên Hòa ngày nay) và huyện Tân Bình với dinh Phiên Trấn là thủ phủ (TP.HCM ngày nay), dưới quyền của phủ Gia Định (Phủ Gia Định ngày đó là gồm từ Bình Thuận, Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè đến Long An. Khi đó địa bàn Đồng Nai Gia Định được nới rộng thêm ra hàng ngàn dặm vuông, các chủng dân được quy tụ dựng thành chòm xóm. Dân số có đến 40000 hộ). Theo Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định thành thông chí” thì “đất đai mở rộng hơn ngàn dặm, dân số có thêm bốn vạn hộ”. Ông Nguyễn Hữu Cảnh đặt các bộ phận trông coi mọi việc như ký lục (trông coi về hành chính, thuế khóa), lưu thủ (trông coi về quân sự) và cai bộ (trông coi về tư pháp). Giúp việc cho các quan là các xá ty và một số đơn vị vũ trang. Đối với người Hoa, ông Nguyễn Hữu Cảnh tập hợp họ thành những tổ chức hành chính riêng như xã Thanh Hà (Trấn Biên), xã Minh Hương (Phiên Trấn). Ông cho chiêu mộ nhân dân đi khẩn hoang lập ấp.
“Đại Nam liệt truyện” (tiền biên quyển 1) ghi rõ ông Nguyễn Hữu Cảnh đã “chiêu mộ dân phiêu tán từ châu Bố Chánh (nay là Quảng Bình) trở vào Nam vào đất ấy (tức là đất Trấn Biên và Phiên Trấn), rồi đặt xã thôn, phường ấp, định ngạch tô thuế và ghi tên vào sổ đinh”. Như vậy biên giới nước ta đã mở rộng đến vùng này. Năm 1700, ông Nguyễn Hữu Cảnh cầm quân tiến xuống vùng biên ấy Tây Nam ngày. Nhờ uy danh, ông Nguyễn Hữu Cảnh đã nhanh chóng giải quyết tình hình bất an của vùng nay. Nhưng sau đó do bị bệnh nặng, ông Nguyễn Hữu Cảnh qua đời, lúc ấy ông tròn 50 tuổi.
(Theo Hỏi đáp 300 năm TP.HCM- NXB Trẻ)